Theo đề án của Sở Giáo dục TP HCM, đến năm 2020 tất cả các trường mầm non sẽ nhận giữ trẻ 6-18 tháng tuổi.
Trong buổi làm việc với Đoàn khảo sát của HĐND TP HCM về vấn đề trẻ mầm non ngày 15/4, bà Trần Thị Kim Thanh – Phó giám đốc Sở Giáo dục cho biết, để đảm bảo được yêu cầu gửi trẻ của người dân, đặc biệt là người dân nhập cư, Sở đã xây dựng Đề án giữ trẻ 6-18 tháng tuổi và chính sách đầu tư cũng như chế độ cho những người làm trong ngành mầm non trình UBND.
Theo lộ trình của Đề án, trong năm 2014-2015, Sở sẽ thí điểm nhận chăm sóc giáo dục trẻ 6-18 tháng tuổi ở 8 quận huyện gồm Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, Tân Phú, Thủ Đức, quận 7, 12. Mỗi quận, huyện thí điểm từ 1 đến 2 trường mầm non công lập.
Trong năm 2015-2016, Sở Giáo dục sẽ mở rộng thêm 4 quận huyện mới bao gồm quận 9, 11, Gò Vấp, Tân Bình. Ngoài những quận huyện này, Sở đồng thời khuyến khích các địa phương có điều kiện đăng ký tham gia nhận trẻ 6-18 tháng tuổi. Hai năm kế tiếp, chương trình sẽ thực hiện đại trà tại 24 quận, huyện.
Theo kế hoạch, đến năm 2018, TP HCM cơ bản sẽ hoàn tất việc mở rộng trường lớp, đội ngũ giáo viên và cơ sở vất chất để có thể đáp ứng hết nhu cầu gửi trẻ 6-18 tháng tuổi, các năm sau đó sẽ tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Để thực hiện đề án này, Sở yêu cầu UBND các quận huyện phải rà soát, thống kê số lượng trẻ mầm non 6-18 tháng tuổi để lên kế hoạch thực hiện cụ thể; đồng thời phải quản lý cũng như hỗ trợ thủ tục, chuyên môn với các nhóm trẻ trên địa bàn.
Song song đó, TP HCM khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trường mầm non bằng cách cho thuê đất dài hạn, miễn thuế trong 5 năm đầu, hỗ trợ các cá nhân doanh nghiệp vay vốn kích cầu khi xây trường mầm non, vận động phụ huynh đóng góp… Việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên cũng được đưa lên hàng đầu.
Trên thực tế, hiện nay TP HCM mới có 18 trường mầm non nhận giữ trẻ ở độ tuổi 6-18 tháng và đều là những trường ngoài công lập. Trong khi đó lực lượng giáo viên mầm non cũng thiếu trầm trọng, nhất là ở các lớp ngoài công lập. Do vậy để thực hiện đề án này dự tính nguồn kinh phí sẽ lên tới hơn 84 tỷ đồng.
Trong buổi làm việc với HĐND TP HCM, Sở Giáo dục thành phố cũng trình dự thảo Đề án thực hiện chính sách đầu tư và chế độ đãi ngộ với những người làm trong ngành mầm non công lập. Theo đó, đại diện Sở cho biết thời gian tới sẽ tăng số trường mầm non trong công lập. Sở cũng xin được bổ sung thêm chức danh “Nhân viên chăm sóc”, nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt về việc phụ giúp các trường mầm non làm các công việc khác ngoài giảng dạy.
Sở Giáo dục TP HCM cũng kiến nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non 5 tuổi ở các huyện ngoại thành, vùng ven và vùng tái định cư. Đến năm 2020 TP HCM sẽ đảm bảo 100% trẻ từ 3 tuổi học mẫu giáo, không bị suy dinh dưỡng và miễn học phí 100% trẻ mầm non 5 tuổi.
Tiếp nhận những kiến nghị của Sở, ông Huỳnh Công Hùng – Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP HCM cho rằng, đã có một lỗ hổng lớn trong việc chăm sóc trẻ mầm non. Trước đây trường mầm non ở đâu cũng có, độ tuổi nào cũng giữ nhưng sau nhiều cải cách, quy định của những người làm giáo dục đã dẫn đến lỗ hổng ngày hôm nay. Để sửa sai, những người làm giáo dục cần ưu tiên xây và mở rộng trường mầm non cho trẻ từ 6-18 tháng tuổi. Không nên phân biệt giữa trường mầm non trong hay ngoài công lập mà phải khuyến khích quá trình xã hội hóa, giúp đỡ các doanh nghiệp xây dựng trường cho con em công nhân, cán bộ viên chức của mình cả về kinh phí lẫn chuyên môn.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Huyền Nhung (Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM) cho rằng, việc chỉ tập trung chăm lo cho các trường mầm non công lập là đang đi ngược với chính sách xã hội hóa trường mầm non. Nếu bỏ hết các trường mầm non trong các công ty, xí nghiệp mà làm tập trung thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhất là về kinh phí đầu tư.
Bà Nhung cũng đề nghị ngoài việc đầu tư xây trường lớp, những người làm giáo dục phải đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo nhân cách, đạo đức. Theo bà Nhung, những vụ bạo hành, làm chết trẻ mầm non đều xuất phát từ những con người không có trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.